

Thể thao Việt Nam 50 năm: Một dân tộc cao hơn và khỏe hơn
- trienkhaiweb
- Tháng 4 29, 2025
- 0 Comments
50 năm là một hành trình dài. Và đằng sau những tấm huy chương của thể thao Việt Nam như SEA Games, Asiad hay Olympic là một dân tộc ngày một cao hơn, khỏe hơn, bền bỉ hơn!
Còn thiếu mũi nhọn nhưng người dân đã cao và khỏe hơn
Việt Nam có bao nhiêu môn thể thao đạt đến đẳng cấp thế giới? Rất ít, với cờ vua và bắn súng, phần nào đó là futsal, và giờ đây thêm bóng chuyền nữ, có thể miễn cưỡng xem là đã chạm đến ngưỡng “world class” (cách gọi quen thuộc cho đẳng cấp thế giới trong thể thao).
Vài năm gần đây, giới truyền thông, chuyên gia và cả các lãnh đạo thể thao nước nhà đã nhiều lần phân tích về một nền thể thao thiếu tính mũi nhọn của Việt Nam.
Tại Olympic Paris 2024, đoàn Việt Nam không giành được tấm huy chương nào, với Trịnh Thu Vinh là cái tên tiến xa nhất khi đứng hạng 4 một nội dung súng ngắn.
Nhìn từ góc độ này, thể thao Việt Nam rõ ràng cần phải cải thiện rất nhiều, học hỏi rất nhiều từ những nước trong khu vực.
Nhưng tính mũi nhọn không phải là tất cả với thể thao. Người Mỹ không giành được bất kỳ tấm HCV nào ở môn quần vợt trong hai kỳ Olympic gần nhất, kém nhiều so với những quốc gia Đông Âu như Czech (2 HCV), Serbia, Nga…
Nhưng sự thật là Mỹ vẫn sở hữu lực lượng hùng hậu nhất trong làng quần vợt. Để đánh giá đúng thực lực một nền thể thao cần đến nhiều yếu tố. Và ngay cả việc “vơ vét” hàng trăm huy chương SEA Games cũng là một yếu tố.
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong lần phát biểu hiếm hoi về thể thao, đã nói như sau: “Cuộc chạy đua huy chương ở các kỳ đại hội thể thao lớn là câu chuyện của các cường quốc, bao gồm cả công nghệ, khoa học, kinh tế…
Nền thể thao nào rồi cũng sẽ có được những ngôi sao đẳng cấp thế giới. Nhưng trước nhất thể thao là để giúp người dân khỏe mạnh hơn, thể trạng tốt hơn, tinh thần sảng khoái hơn…”.
Cao hơn – khỏe hơn – nhanh hơn cũng luôn là kim chỉ nam với thể thao Việt Nam từ những ngày đầu chập chững bước trở lại cuộc chơi quốc tế.

Những năm đầu chập chững
SEA Games năm 1989 đánh dấu lần tái xuất của Việt Nam với kỳ đại hội cấp khu vực. Cũng tại kỳ SEA Games năm đó, các lãnh đạo thể thao nước nhà có cái nhìn chân thật về khoảng cách xa vời vợi với các nước láng giềng.
“Họ hơn tôi về mọi mặt, từ chiều cao, cơ bắp cho đến sải tay, sải chân, chưa xuống hồ là đã biết thua rồi” – cựu kình ngư Nguyễn Kiều Oanh, nay là phó giám đốc Trung tâm Thể thao dưới nước TP.HCM, chia sẻ.
Năm đó, Việt Nam chỉ giành vỏn vẹn 3 tấm HCV, 11 HCB và 5 HCĐ từ ba môn thể thao là bắn súng, bóng bàn và quyền anh.
Có thể thấy bắn súng cùng bóng bàn không quá phụ thuộc yếu tố hình thể, còn quyền anh là môn võ có chia hạng cân (huy chương của Việt Nam đều đến từ các hạng cân nhẹ).
Trong những cuộc chơi, dù là đua tốc độ, chấm điểm hay đấu đối kháng, yếu tố hình thể nắm vai trò quá quan trọng. Và để tác động đến yếu tố hình thể là cả một bài toán rộng lớn về kinh tế, công nghệ, khoa học…
Mãi đến những năm cuối thập niên 1990, đầu 2000, thể thao Việt Nam mới dần khẳng định được thực lực ở nhóm các môn quan trọng là điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền…
Điển hình như tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đến năm 1997 mới giành được tấm huy chương SEA Games đầu tiên, còn bóng chuyền nam phải đợi sau đó 8 năm mới làm được điều tương tự.
Còn với bóng đá, người hâm mộ ắt hẳn chưa quên một thời tuyển Việt Nam cứ hễ gặp các đối thủ cao to với bài tạt cánh đánh đầu vô cùng đơn giản là mặc định “vào lưới nhặt bóng”.

Giấc mơ đẳng cấp thế giới
Kể lại những ví dụ xa xưa ấy để thấy rằng thể thao Việt Nam đã phải đi một chặng đường dài đến thế nào mới đến được ngày hôm nay.
2 thập niên sau khi “nữ hoàng bơi lội đời đầu” Kiều Oanh giải nghệ, làng bơi Việt Nam chào đón một Ánh Viên với hình thái hoàn toàn khác.
Không còn sự mặc cảm tự ti về thể trạng, không còn những nỗi nuối tiếc khi hụt huy chương trong gang tấc, và cũng không còn xa lạ với các giáo án cũng như phương pháp mới mẻ từ Tây phương, Ánh Viên trở thành nhà vô địch thống trị Đông Nam Á.
Cô tiến ra đến đẳng cấp châu lục, và chỉ thiếu đi một chút trình độ nữa để có thể hiện diện trong đêm bơi chung kết tại Olympic. Sau Ánh Viên, đến phiên Huy Hoàng tạo nên kỳ tích gần tương tự.
Nhìn chung, ở hai môn thể thao cơ bản nhất là điền kinh và bơi lội, Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa với trình độ thế giới. Nhưng ít nhất sự tự ti đã là điều được gác lại phía sau.
Và ở những môn chơi đối kháng, Việt Nam ít nhiều có được một số VĐV mang đẳng cấp thế giới.
Đó là Lê Quang Liêm của cờ vua, là Trịnh Thu Vinh của bắn súng (trước đây là Hoàng Xuân Vinh), là các cô gái bóng chuyền nữ, tuyển futsal nam. Kế đến là bóng đá, là một số môn võ thuật, cầu lông… cũng tiệm cận trình độ châu lục.
Theo TTVH

Cùng chuyên mục
“Cỗ máy chuyền bóng” CLB Việt Nam khuấy đảo AVC Champions League
“Cỗ máy chuyền bóng” CLB Việt Nam khuấy đảo AVC Champions League
VĐV Kim Thoa của VTV Bình Điền Long An kết thúc AVC Champions League với thống kê ấn tượng. Ngoài sự bùng nổ của Vi Thị Như Quỳnh, Lữ Thị…
Thủ lĩnh thầm lặng của chạy bộ Lâm Đồng
Thủ lĩnh thầm lặng của chạy bộ Lâm Đồng
Anh Phan Hoàng Điệp là một hình mẫu truyền cảm hứng đặc biệt trong cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Phan Hoàng Điệp, sinh năm 1981 tại Gia Hiệp, Di…
Bán kết giải bóng chuyền nữ CLB châu Á gọi tên Bình Điền Long An
Bán kết giải bóng chuyền nữ CLB châu Á gọi tên Bình Điền Long An
Chiều 25/4, Bình Điền Long An đánh bại CLB Đài Loan Cao Hùng Taipower 3-1 để vào bán kết giải bóng chuyền nữ CLB châu Á 2025. Đối thủ của…
Bóng đá nam SEA Games: Thái Lan hưởng lợi từ đề xuất thay đổi
Bóng đá nam SEA Games: Thái Lan hưởng lợi từ đề xuất thay đổi
Thái Lan, chủ nhà SEA Games 33, đã trình phương án tổ chức môn bóng đá nam với những thay đổi đáng chú ý so với các kỳ SEA Games…
VTV Bình Điền Long An tiến vào Tứ kết Cúp CLB nữ châu Á
VTV Bình Điền Long An tiến vào Tứ kết Cúp CLB nữ châu Á
VTV Bình Điền Long An giành vé vào tứ kết Cúp CLB nữ châu Á 2025 sau chiến thắng 3-1 trước Saipa Tehran (Iran). VTV Bình Điền Long An đã…